Tin nổi bật

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

1. Vị trí địa lý:

Lạc Dương là huyện miền núi nằm ở phía Bắc của tỉnh Lâm Đồng, cách Trung tâm thành phố Đà Lạt 12 km; phía Đông giáp 2 tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa, phía Tây giáp 2 huyện Lâm Hà và Đam Rông, phía Nam giáp thành phố Đà Lạt và huyện Đơn Dương, phía Bắc giáp với tỉnh Đắc Lắc. Toàn huyện có tổng diện tích tự nhiên là 131.393 ha, trong đó, đất quy hoạch lâm nghiệp chiếm diện tích 116.656 ha với hệ động thực vật rừng phong phú, đa dạng có giá trị to lớn về bảo tồn nguồn gen, nghiên cứu khoa học và có vai trò lớn trong việc điều hòa khí hậu, điều tiết nguồn nước, tạo cảnh quan - môi trường.

Với việc hoàn thành tuyến đường 27C nối thành phố Đà Lạt đi tỉnh Khánh Hòa và việc đang triển khai xây dựng tuyến đường Đông Trường Sơn đã phá thế độc đạo của huyện, mở ra cơ hội thuận lợi để huyện phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển các loại hình du lịch.

2. Về khí hậu:

Do ở độ cao từ 1500 mét so với mực nước biển nên Lạc Dương có khí hậu ôn đới, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 16 - 22 oC. Khí hậu Lạc Dương quanh năm ôn hòa, mát mẻ, trong lành rất thích hợp cho việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội thảo…

Khí hậu phân làm 2 mùa tương đối rõ rệt: Mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10, tháng 11 với lượng mưa lớn.

HIỆN TRẠNG XÃ HỘI

1. Đơn vị hành chính:

Huyện Lạc Dương có 5 xã và 1 thị trấn gồm:

*. Thị trấn Lạc Dương, diện tích 6.935 ha.

*. Xã Lát, diện tích 22.038 ha.

*. Xã Đạ Sar, diện tích 24.807 ha.

*. Xã Đạ Nhim, diện tích 23.933 ha.

*. Xã Đạ Chais, diện tích 34.061 ha.

*. Xã Đưng K’Nớ, diện tích 19.619 ha.

2. Dân số:

Tổng dân số toàn huyện đến thời điểm tháng 11 năm 2021 là 7.382 hộ với 31.204 nhân khẩu; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 4.978 hộ với 21.142 nhân khẩu, chiếm 67,75 % dân số.

3. Thành phần dân tộc:

Toàn huyện có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống: Kinh, Cơ Ho (Cơ Ho - Cil, Cơ Ho - Lạch), Châu Mạ, Mơ Nông, Chu Ru, Thái, Ê Đê, Nùng, Tày, Hoa, Chăm, Mường...

4. Tôn giáo:

Tỷ lệ người theo các tôn giáo chiếm trên 71,3 tổng dân số trong huyện, chủ yếu là 3 tôn giáo chính: Công giáo, Tin Lành và Phật giáo.

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Lĩnh vực kinh tế:

Hoạt động kinh tế của huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, thâm canh năng xuất tăng, chất lượng sản phẩm; công nghiệp phát triển nhanh; lượng khách đến tham quan hàng năm đạt từ 1,7 triệu đến 2 triệu lượt.

2. Lĩnh vực văn hóa - xã hội:

a) Giáo dục: Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tiếp tục được tăng cường. Công tác duy trì sỹ số của các cấp học đạt tỷ lệ cao. Hiện nay, toàn huyện có 6/6 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 - xóa mù chữ mức độ 2; 17/18 đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 94,4%.

b) Y tế, dân số, gia đình, trẻ em: Công tác quản lý nhà nước về y tế được tăng cường, thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia. Công tác khám chữa bệnh đã đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Đến hết năm 2021, có 9,1 bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng thể cân nặng dưới 12,12%, thể thấp còi dưới 19%.

c) Văn hóa, thông tin, thể thao, phát thanh, truyền hình, các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

d) Bưu chính viễn thông: Mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển mạnh với hệ thống các bưu cục, tổng đài đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu của địa phương. Toàn huyện có 1 bưu điện trung tâm, các xã đều có bưu điện xã, đã hoàn thành việc cáp quang hóa. Dự kiến trong thời gian tới các xã đều có một bưu cục đa dịch vụ.

đ: Du lịch: Hiện nay, hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng đang từng bước được quan tâm đầu tư. Khi Tỉnh lộ 722 và Quốc lộ 27C hoàn thiện, đưa vào sử dụng mở ra nhiều triển vọng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện và đặc biệt là ngành du lịch. Bên cạnh một số dự án đang được đầu tư cũng như có chủ trương thỏa thuận đầu tư tiến hành triển khai với quy mô đầu tư lớn vẫn còn các điểm tiềm năng cần được đầu tư, khai thác có hiệu quả, nhằm giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, góp phần nâng cao thu nhập cải thiện đời sống của nhân dân và đóng góp vào nguồn thu ngân sách huyện nhà.

3. Lĩnh vực lâm nghiệp:

Tổng diện tích đất lâm nghiệp: 116.656 ha, được chia ra các loại sau:

*. Rừng phòng hộ: 40.087 ha

*. Rừng đặc dụng:  55.396 ha

*. Rừng sản xuất:    21.173 ha

4. Cơ sở hạ tầng:

a) Giao thông:

Tỉnh lộ 722 đoạn chạy qua Lạc Dương dài 78 km, là một phần của con đường Đông Trường Sơn, đây là tuyến đường quan trọng nối Đà Lạt - Lạc Dương - Đắc Lắc.

Quốc lộ 27C có tổng chiều dài 39,4 km là trục nối giữa 2 điểm du lịch Nha Trang và Đà Lạt, hiện đã đưa vào khai thác.

Huyện lộ có 3 tuyến chính: Xã Lát - Đưng K’Nớ; Thị trấn Lạc Dương - Đạ Sar; Cầu Phước Thành - Khu du lịch Lang Biang với tổng chiều dài đường trải nhựa là 25,5 km.

Đường nông thôn: Bao gồm đường liên thôn và đường trong các khu dân cư.

b) Điện:

Hệ thống điện lưới tại địa phương: 06/06 xã, thị trấn đã có điện lưới quốc gia; 34/34 thôn, tổ dân phố phố đã có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất. 

c) Nước:

Hiện nay, có 98,5 số hộ được sử dụng nước sạch tại đô thị và 98% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

 

Nguồn: https://lacduong.lamdong.dcs.vn/gioi-thieu/task/1441/id/2633

Xem tiếp

01-01-1970

Tin mới nhất